Nỗ lực ảo
Nỗ lực ảo là khi bạn đặt ra cho bản thân nhiều mục tiêu, công việc phải làm nhưng thay vì bắt tay vào thực hiện, chúng ta lại dành thời gian cho việc vô bổ như lướt web, xem phim,...
Nỗ lực ảo thường xuất hiện nhiều ở giới trẻ hiện nay. Họ bị nhiều thú vui lôi cuốn và không thể đạt được mục tiêu, công việc mình đã đặt ra.
Nỗ Lực ảo là gì?
Đó chính là các bạn đặt ra cho mình rất nhiều mục tiêu như là đọc sách, học tiếng anh…. Nhưng thay vì cố gắng kiên trì để làm tốt thì bạn lên lướt web, mất thời gian vào mạng xã hội. Bạn có làm, có thực hiện nhưng lại không tới nơi tới chốn. Đó chính là dấu hiệu của triệu chứng nỗ lực ảo các bạn trẻ hay mắc phải.
Những biểu hiện của nỗ lực ảo
1. Mua sách chất đầy tủ nhưng không đọc
Bạn nắm rõ tất cả các chương trình sách đại hạ giá với mọi trang bán sách, gom cả đống mã giảm giá sách. Sách bạn mua chất đầy trên tủ… đợi ngày được sờ đến.
Bạn nghĩ mua sách không bao giờ là thừa, nên cứ đến đợt giảm giá là lại gom sách về, mua hết những cuốn bạn thấy cũng hơi hứng thú. Và nghĩ rằng chắc chắn mình sẽ đọc nhưng không đó chỉ là bạn nghĩ.
Thế rồi hiện thực không như mơ, bạn không hề đọc những cuốn sách mình mua, nhiều cuốn chỉ mở ra lật lật mấy cái. Vậy là tri thức chất đầy trong nhà bạn, nhưng chỉ có một ít là vào được đầu bạn.
Bạn biết rõ chỉ nỗ lực trong giờ làm việc sẽ không bao giờ đủ để hình thành ưu thế cạnh tranh cho bạn, bạn cần phải học tập thêm vào những lúc rảnh rỗi. Nhưng mỗi lần tan ca về bạn chỉ nghỉ ngơi, ăn uống nằm dài lướt web. Rồi sau đó lại suy nghĩ về việc trì hoãn rằng mai mình học thêm cũng được mà.
Đúng là sau một ngày làm việc mệt mỏi chúng ta cần phải sử dụng những phương thức giải trí. Nhưng thay vì giải trí một khách khoa học có giờ giấc thì bạn lại không ngừng thuyết phục rằng mình xứng đang được nghỉ ngơi một chút.
Đúng, nghỉ ngơi một chút thì không sao, nhưng quá nhiều những “một chút” liên tục ấy, khiến cho các kế hoạch phát triển bản thân của bạn không bao giờ thực hiện được.
2. Đam mê mua các khóa học nhưng không học
Trong thời đại này, không khó để bạn đăng ký mua một khóa học. Nhất là các khóa học online, không mất công đến tận nơi, vừa hiệu quả vừa tiện lợi… Bạn nghĩ bạn cũng nên học thêm cái này cái kia, đồng thời cho rằng mình sẽ chăm chỉ hơn vì tiếc số tiền đã bỏ ra.
Nhưng vấn đề là, bạn luôn đánh giá quá thấp “sức ì” của bản thân. Cuối cùng khóa học mua về thì nhiều, nhưng cái nào cũng chỉ học vài tiết rồi để đó, bỏ dở.
Thế là, lúc nào bạn cũng đang định/mới mua/đang theo học một khóa học nào đó, nhưng cái khóa học đó dài như sự học cả đời của bạn vậy, không bao giờ thấy kết thúc.
Thấy khóa học nào cũng muốn mua, mua với một quyết tâm cao nhưng quyết tâm ấy chỉ chớp nhoáng. Nó bị bạn dập tắt liền sau những lần trì hoãn.
3. Tải tài liệu về đầy máy, nhưng không bao giờ mở ra
Bạn quan tâm đến việc trau dồi tri thức, bạn tham gia đủ các loại hội nhóm học tập, luôn để ý đến các loại tài liệu hiếm, quý, bổ ích… và tải chúng về ngay khi có cơ hội.
Thấy ở đâu có tài liệu bạn đều xin tải về nhưng không bao giờ đụng tới. Bạn chụp tất cả nhưng kiến thức bạn cho là bổ ích và chả bao giờ chịu xem lại chúng.
Không tải tài liệu về thì sợ sau này hối hận mà tải về thì chả bao giờ đụng đến. Có nhiều bạn tải về một đống rồi đến khi lật ra lại chả biết đây là tài liệu phục vụ cho việc gì nữa cơ.
Đấy bảo sao mà mãi chả thấy giỏi lên được tí nào.
4. Lưu đủ các loại bài viết hay, nhưng không bao giờ áp dụng vào thực tế.
Bạn thích lên mạng tìm đọc các bài viết hay, mỗi khi thấy một bài tâm đắc, bạn sẽ lưu nó lại, chia sẻ nó… Nói chung là làm đủ cách để lưu giữ áng văn tuyệt tác ấy lại.
Nhưng giống như cách bạn đối xử với những cuốn sách bạn đã mua về, bạn không bao giờ mở kho lưu trữ trong thiết bị của mình ra đọc lại, nghiền ngẫm, và tìm cách vận dụng những cái hay người ta đã chỉ ra vào cuộc đời mình.
Này bạn ơi, bạn lưu nhiều bài như thế, liệu còn nhớ được bao nhiêu? Liệu bạn có cảm thấy rằng bạn đang làm mệt cái bộ nhớ điện thoại không? Liệu rằng cứ lưu lại và không đọc thì bạn có tốt lên như bạn vẫn nghĩ không?
5. Thích đi nghe diễn thuyết để đốt cháy nhiệt huyết, nhưng trở về lại không suy nghĩ gì nữa
Ngoài đọc sách, xem và nghiên cứu tài liệu, chúng ta vẫn còn một cách hiệu quả để học tập nữa, đó là đi nghe giảng, nghe diễn thuyết. Ở đâu có các buổi diễn thuyết, sẽ luôn có những diễn thuyết với diễn giả đầy tài năng thì đều có sự xuất hiện của bạn. Ở buổi diễn thuyết được nghe các chuyên gia chia sẻ thì trong bạn hừng hực quyết tâm… Nhưng sau đó chỉ vài chục phút thôi bạn quên hết và chả suy nghĩ đến nữa.
Trên đây chính là triệu chứng của bệnh nỗ lực ảo. Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta phải làm gì để thay đổi tư duy để không còn là những con người mang nỗ lực ảo nữa? Hãy theo chúng mình đọc hết những điều dưới đây và rèn luyện nhé.
Hậu quả của việc nổ lực ảo là gì?
Hậu quả của việc mắc chứng bệnh nỗ lực ảo rất lớn, nó khiến:
1. Công việc
Ôm đồm quá nhiều, không có việc nào hoàn chỉnh, dẫn đến không hiệu quả, luôn ở trạng thái áp lực trong công việc. Còn khi mà đạt được một điều gì đó, bạn luôn tự mãn với thành tích tạm thời.
Bạn nhanh chóng bỏ cuộc khi bản thân bị áp lực hoặc chưa hoàn thành được 20 – 30% kế hoạch.
2. Cuộc sống hàng ngày
Thường hay so sánh với người khác sinh ra buồn và đặt áp lực lên bản thân. Luôn nghĩ bỏ nhiều nỗ lực nhưng thất bại và không tin vào nỗ lực nữa. Lúc đó quá trình trưởng thành chính thức dừng lại.
Cách khắc phục nỗ lực ảo
Hiểu rõ bản thân đang cần những gì phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, không nên ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc. Như vậy sẽ rất áp lực cho bản thân và không hiệu quả khi khả năng chưa thực hiện được.
Cần lập ra mục tiêu phù hợp với năng lực và thời gian của bản thân. Nên chia nhỏ các mục tiêu. Việc nào cần thiết, quan trọng thì làm trước.
Hạn chế lướt các trang mạng xã hội.
Cân nhắc kĩ khi tham gia hội nhóm. Những nhóm nào thực sự phù hợp với bản thân thì mới tham gia.
Học cách sống buông bỏ một vài thứ không quan trọng. Bỏ ngay thói quen tích lũy bừa bãi, những trò chơi giải trí không cần thiết.
Bớt mơ mộng và tham lam.
Bạn có đang nỗ lực ảo hay không? Nếu không thì chúc mừng bạn vì bạn là một con người quá hoàn hảo, thật đáng ngưỡng mộ đấy, nếu có thì hãy sửa đổi nó ngay khi còn có thể bạn nhé! Hãy tận dụng nỗ lực một cách hiệu quả.