Làm "Lớp trưởng" khó lắm!
Nếu có danh hiệu người hi sinh thầm lặng nhất, thì thành viên trong lớp xứng đáng được nhận nhất không ai khác chính là lớp trưởng.
Bất cứ lớp học nào cũng bắt buộc phải có một người giữ vị trí lớp trưởng. Không chỉ là người nắm bắt mọi tình hình trong lớp, duy trì các hoạt động nề nếp, là cầu nối giữa thầy cô và các thành viên, lớp trưởng còn chính là người có vai trò quan trọng nhất trong việc gắn kết, tạo nên một tập thể yêu thương lẫn nhau, vui vẻ và bền chặt. Công việc của một lớp trưởng tưởng như ai cũng làm được vì lớp trưởng cũng chỉ là một học sinh bình thường, không có gì cao siêu hay năng lực gì đặc biệt. Thế nhưng, chỉ khi đứng ở vị trí ấy mới có thể hiểu được sự khó khăn nhiều đến như thế nào. Khó khăn không đến từ việc lớp trưởng phải xuất chúng đến đâu, mà đến từ những áp lực xung quanh cái danh "lớp trưởng", đến từ những sự hi sinh và kiên nhẫn để đặt lợi ích cả lớp lên hàng đầu. Cùng chúng mình tìm hiểu nhé!
Lớp trưởng là ai?
Trong một nhóm hay bất kỳ lớp học nào, lớp trưởng, nhóm trưởng luôn là người có vai trò quan trọng trong việc duy trì, phát triển và là người quyết định không nhỏ đến hiệu quả làm việc và học tập của nhóm, lớp học đó. Đối với học sinh, sinh viên thì vai trò của lớp trưởng cũng vô cùng quan trọng.
Lớp trưởng không chỉ đơn thuần, nhất thiết phải là người đứng đầu lớp về học tập mà là người có khả năng tổng hợp, biết phân phối, giải quyết hài hòa, hợp lý các công việc, mối quan hệ để đưa thành tích tập thể lớp cũng như cá nhân được tiến lên.
ưu và nhược điểm khi làm lớp trưởng.
Ưu điểm của việc làm lớp trưởng
1. Con sẽ thêm phần tự tin và bạo dạn hơn rất nhiều
Lớp trưởng là một chức vị cao nhất lớp, là người tự quản và cần phải hòa đồng với mọi người. Do đó, khi được làm lớp trưởng, các bạn sẽ học được tin thần tự quản, giao tiếp với tất cả bạn bè, và các bạn bè trong khối khác. Ngoài ra, việc làm lớp trưởng sẽ giúp bạn thêm phần tự tin, mạnh dạng hơn trong nhiều việc.
Khi được làm lớp trưởng, bản thân bạn sẽ phải luôn làm điều đúng, luôn là chuẩn mực để các bạn trong lớp làm gương và noi theo. Do đó, bạn cũng sẽ học được tinh thần trách nhiệm cũng nhưng cố gắng phát huy năng lực của mình mỗi ngày. Việc làm lớp trưởng cũng chính là động lực giúp cho bạn nâng cao ý thức và hoàn thiện bản thân tốt hơn.
2. Học cách tự quản và nâng cao các kỹ năng mới
Lớp trưởng chính là cơ hội để các bạn được nâng cao các kỹ năng mới. Như kỹ năng tự quản lý học tập và công việc trong ban cán sự lớp, kỹ năng quản lý mọi người, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự tin trước đám đông… Tất cả những điều này bạn sẽ được học thông qua chính những kinh nghiệm của mình. Từ đó giúp bạn trưởng thành hơn.
3. Biết điều hay lẽ phải và có nhiều bạn
Rõ ràng người lớp trưởng sẽ phải là người hòa đồng với bạn bè nhiều nhất. Làm người thường xuyên giúp đỡ bạn bè của mình khi gặp khó khăn trong học tập. Do đó, lớp trưởng thường là người có mối quan hệ rộng, quen biết nhiều bạn bè.
Bên cạnh đó, vì lớp trưởng phải làm gương nên bản thân bạn sẽ học được nhiều điều hay lẽ phải. Điều nào nên làm và điều nào không nên làm.
4. Được mọi người quan tâm
Nếu bạn lo lắng mình còn rụt rè và ngại. Thì sau khi con được làm lớp trưởng và nhiệt tình tham gia các hoạt động của lớp. Giáo viên và bạn bè sẽ chú ý và quan tâm đến bạn nhiều hơn rất nhiều. Không những vậy, bạn còn được nhận sự ưu ái tốt hơn khi phát huy khả năng của mình.
Nhược điểm của việc làm lớp trưởng
Mặc dù được làm lớp trưởng, các bạn sẽ có nhiều kỹ năng và ngày càng hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này cũng mang đến nhiều nhược điểm ảnh hưởng đến tính cách và suy nghĩ của bạn. Cụ thể:
1. Luôn ép bản thân phải làm gương
Chúng ta luôn nghỉ đến những việc mà lớp trưởng hay làm. Đặc biệt là chuyện làm gương. Là lớp trưởng, bạn phải là người luôn nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định của nhà trường và lớp học để các bạn nhìn vào làm gương.
Có thể bạn đã thực hiện đúng như lời thầy cô dặn: đến trường đúng giờ, không nói chuyện trong giờ học, không ăn trong lớp học, không nói những lời nặng, không quát tháo bạn bè… Nhưng thực tế, nhiều bạn đang cố gắng kìm chế mình để làm điều đó. Bạn có thể vội vàng, đôi khi phải bỏ bữa sáng để đến trường vì nghĩ lớp trưởng phải đến lớp sớm. Bạn có điều muốn thì thầm với bạn bè nhưng lại sợ thầy cô bảo mình không làm gương. Bạn muốn giờ ra chơi có thể thoải mái lớn tiếng, vui đùa cùng với bạn bè. Bạn muốn thể hiện sự tức giận của mình khi ai đó bị ăn hiếp hay ai đó nói những lời xúc phạm đến bản thân mình, ba mẹ mình…
Tất cả chỉ là sự kìm nén, nhưng sau sự kìm nén lâu ngày sẽ khiến bạn lầm lì và suy nghĩ không tích cực. Điều này sẽ khiến bạn mệt mỏi hơn rất nhiều và không thiết tha với chức lớp trưởng nữa.
2. Áp lực và nặng nề, không là chính mình
Nhiều ba mẹ luôn khuyến khích và ủng hộ con mình làm lớp trưởng. Và thậm chí cha mẹ bắt ép con làm lớp trưởng. Nhưng thực tế, điều này đã khiến nhiều bạn cảm thấy áp lực vì gánh trên đôi vai bé bỏng của mình rất nhiều trách nhiệm. Thay vì được học các kỹ năng tốt, tự tin hơn, bạn lại cảm nhận rõ sự mệt nhọc và đầy áp lực khi được làm lớp trưởng. Từ đó, tinh thần học sa sút, thậm chí rồi bạn còn không muốn đến lớp nữa.
3. Thể hiện quyền lực của mình
Có thể nói, lớp trưởng làm người có quyền lực. Việc nắm được quyền lực trong tay, thay vì sử dụng quyền lực đúng lúc, đúng chỗ. Nhiều bạn vẫn chưa biết cách sử dụng quyền quyền lớp trường đúng cách. Đôi khi, điều này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Ví dụ như cậy thế lớp trưởng bắt bạn bè làm theo ý mình, lạm quyền hay bắt nạt bạn bè, khiến bạn bè thực hiện những yêu cầu của mình…
Điều này sẽ khiến bạn đi ngược lại với chức trách của một người lớp trưởng. Không những vậy, bạn bè trong lớp sẽ không nể trọng và ngày càng xa lánh hơn.
4. Học tính tự mãn và trở nên lười biếng
Nhiều bạn ý thức quá rõ chức vị trí của mình trên lớp. Do đó, thay vì cùng nhau giúp đỡ bạn bè, nhiều bạn lại dựa vào chức lớp trưởng mà đùm đẩy công việc trực nhật, chỉ chăm chăm vào tìm cách bắt lỗi những bạn mà mình không ưa, tìm cách khiến bạn bị phạt. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, suy nghĩ và tâm hồn của bạn sẽ bị bóp méo, hình thành nên những thói quen không tốt.
Nỗi niềm của một người lớp trưởng.
Làm lớp trưởng là cả trăm việc không tên, là những hi sinh thầm lặng không mấy ai thấu hiểu
Tất cả mọi công việc, hoạt động của lớp, lớp trưởng luôn là người phải biết đầu tiên, tính toán đầu tiên, sắp xếp sao cho ổn thỏa và hợp lý nhất với cả lớp trước khi thông báo đến các thành viên. Bạn nghe thông báo về một hoạt động nào đó, dường như khá đơn giản nhưng không biết được rằng lớp trưởng của bạn đã tốn nhiều thời gian như thế nào để chuẩn bị trước đâu.
Đâu phải lớp trưởng chỉ cần quan tâm đến ổn định trật tự, nề nếp trong lớp. Mỗi khi có thành viên bị ốm, ai đó học lực đột nhiên kém đi hay nghỉ học không rõ nguyên nhân, người đầu tiên có trách nhiệm tìm hiểu và giải quyết chính là lớp trưởng.
Mỗi ngày, những công việc nhỏ nhặt từ thầy cô như chuẩn bị tài liệu học tập cho lớp đến các công việc liên quan đến Đoàn, Hội như chuẩn bị lễ kỷ niệm, lớp trưởng luôn là những người được tín nhiệm nhất và cũng bận rộn nhất.
Là lớp trưởng nghĩa là một khoảng thời gian lớn bạn phải dành cho tập thể, đôi khi vì uy tín và tiến độ công việc chung của cả lớp mà phải hủy bỏ một số việc cá nhân hay thời gian dành cho sở thích riêng cũng bớt đi.
Mỗi khi lớp tham gia một hoạt động lớn của trường như văn nghệ hay cuộc thi nào đó, người chạy đôn chạy đáo lo lắng từ trang phục biểu diễn đến nước uống cho các bạn không ai khác chính là lớp trưởng. Thế nhưng chẳng mấy ai kể về những vất vả ấy bao giờ.
Hàng ngày, lớp trưởng cũng phải đi học sớm hơn để kiểm tra lớp đã vệ sinh chưa, mọi người có đến đúng giờ chưa. Đôi khi phải về muộn hơn vì có chuyện về lớp cần trao đổi với giáo viên. Những việc không tên ấy chẳng bao giờ được mọi người biết đến và ghi nhận, nhưng không có lớp trưởng nào thấy buồn lòng hay phàn nàn mà chỉ luôn tận tâm, luôn dành thời gian để chắc chắn rằng mọi việc trong lớp đang diễn ra tốt đẹp.
Lớp trưởng còn chính là cầu nối giữa thầy cô và các thành viên trong lớp. Khoảng cách tuổi tác luôn là trở ngại lớn nhất trong mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh. Thầy cô đôi khi cứng nhắc và không hiểu tâm lý lũ học trò của mình nên không có những phương pháp giảng dạy, truyền đạt hay giải quyết các vấn đề của lớp một cách phù hợp. Ngược lại, học sinh cũng không hiểu thầy cô và cho rằng thầy cô không tâm lý với học sinh.
Những khác biệt tuổi tác gây nhiều khó khăn là thế nhưng lớp trưởng chẳng ngại ngần gì, luôn lắng nghe cả 2 bên, kiên nhẫn và khéo léo để cả thầy cô và các bạn trong lớp có thể đặt mình vào vị trí người khác để hiểu và thông cảm cho nhau hơn.
Làm lớp trưởng là cố gắng gấp đôi người khác còn áp lực thì không đo đếm được.
Vì để làm gương cho các bạn mà lớp trưởng lúc nào cũng phải gương mẫu và có tác phong tốt dù bạn ấy đôi khi cũng rất muốn được thoải mái như mọi người.
Là lớp trưởng, ai cũng bị gắn mác nghiêm khắc nên đôi khi bạn bè cũng xa lánh và cho rằng lớp trưởng không được thân thiện lắm.
Cũng vì là lớp trưởng mà áp lực duy trì thành tích học tập tốt cũng cao hơn. Một lớp trưởng nếu không học giỏi nhất lớp cũng phải thuộc top học khá, nếu không tiếng nói sẽ bị mất trọng lượng đi rất nhiều.
Làm lớp trưởng, có tiếng mà không có miếng, ai cũng nghĩ lớp trưởng sẽ được thầy cô ưu ái nên lại càng phải cố gắng nhiều lần hơn để chứng minh bản thân hoàn toàn phấn đấu công bằng với các bạn.
Ai cũng nghĩ lớp trưởng là một công việc đơn giản nhưng để làm được, đố phải là những bạn thực sự nghị lực và có ý chi cao mới có thể cân bằng được giữa học tập và các trách nhiệm, mới có thể luôn giữ được hình ảnh gương mẫu, tin cậy trong mắt các bạn.
Mà lớp trưởng không chỉ có trách nhiệm khi cả lớp còn trên ghế nhà trường đâu. Khi đã ra trường rồi, lớp trưởng vẫn luôn có rất nhiều việc phải làm, quan trọng nhất là cầu nối gắn kết mọi người với tập thể cũ, để cả lớp luôn là những người bạn thân thiết và đồng hành cùng nhau trong cuộc sống sau này.
Cần có gì để Trở thành một lớp trưởng "Cừ"?
1. Luôn đứng trong top dẫn đầu học tập
Có một tâm lý chung của các bạn học sinh là không bao giờ công nhận một lớp trưởng học kém. Bạn thử nghĩ xem ai là bộ mặt của lớp chứ? - Không ai khác ngoài lớp trưởng. Cho nên lớp trưởng chắc chắn phải học giỏi để xây dựng hình tượng cho lớp. Bạn học giỏi chắc chắn một điều là sẽ có rất nhiều người hỏi bài, từ đó họ có thêm phần nể trọng bạn hơn. Đương nhiên, ý kiến và lời nói của bạn với các thành viên trong lớp có giá trị hơn. Bất cứ ai trong lại chẳng muốn lớp trưởng mình giỏi chứ, thế thì các bạn mới nể phải không?
Một lớp trưởng gương mẫu luôn làm bài tập đầy đủ, đạt điểm cao trong các bài kiểm tra thì khi những lời bạn nói ra ít nhiều cũng có trọng lượng hơn, tránh những ánh nhìn nhắc nhở từ thầy cô.
2. Biết khiêm tốn và cởi mở
Bạn có thể học rất giỏi nhưng lại phách lối, cho mình hơn người thì chẳng ai muốn gần bạn và ủng hộ bạn cả. Ngoài việc học giỏi bạn cần biết khiêm tốn, lắng nghe ý kiến từ mọi người cũng như biết nhận khuyết điểm thì mới trở thành lớp trưởng được nhiều người thán phục được. Bắt đầu từ việc biết giúp đỡ người khác, cố gắng lắng nghe họ sẽ là bước đầu giúp bạn hòa nhập với mọi người trong lớp.
Đây là một phẩm chất cần có của một lớp trưởng chuẩn mực. Chẳng ai ưa một người có tài nhưng lại hống hách, thích dạy đời người khác cả. Người có tố chất lãnh đạo trước hết phải biết học hỏi và hòa đồng với người khác.
3. Tự tin đưa ý kiến và biết tôn trọng ý kiến
Trong một tập thể, lớp trưởng là người quan trọng trong việc tự tin đóng góp ý kiến của mình. Đóng góp ý kiến vừa khẳng định tiếng nói của lớp trưởng, vừa cho mọi người thấy khả năng lãnh đạo của một lớp trưởng tài ba. Năng nổ đưa ra ý kiến nhưng đồng thời cũng phải biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến của người khác nữa. Mọi thành viên đều là một phần tử của lớp, họ đều có quyền được nêu ý kiến đóng góp cho lớp học. Cho nên muốn được mọi người tôn trọng mình thì trước tiên bạn phải biết tôn trọng người khác. Không chỉ lớp trưởng mới cần tôn trọng ý kiến mọi người, kể cả bạn là thành viên của lớp thì tôn trọng ý kiến là một hành động văn minh trong văn hóa ứng xử.
4. Có năng lực giao tiếp tốt
Khả năng giao tiếp tốt chính là lợi thế của một lớp trưởng. Không biết cách giao tiếp thì làm sao bạn có thể gắn kết được với các thành viên trong lớp. Hơn thế nữa khi các thầy cô và các bạn lựa chọn bạn làm lớp trưởng thì trước hết họ sẽ xem tài ăn nói của bạn có xứng đáng để thuyết phục họ hay không. Có khả năng giao tiếp khéo léo còn giúp bạn rất nhiều trong việc mở rộng phạm vi quen biết của mình, giành được nhiều quyền lợi cho bản thân và lớp học của mình hơn.
5. Thẳng thắn nhưng phải tế nhị
Chẳng ai hiểu được suy nghĩ hay mong muốn của bạn nếu như bạn không thẳng thắn nói ra. Nếu như bạn không hài lòng một vấn đề nào đó, khó chịu thái độ của một nhóm thành viên trong lớp bạn cần thẳng thắn trao đổi với họ. Việc bạn thẳng thắn nhắc nhở cũng như bày tỏ cảm xúc của mình không chỉ tăng cường sự hợp tác của các thành viên trong lớp mà còn giúp bạn xây dựng hình tượng lớp trưởng thẳng thắn trong mắt bạn bè nữa. Song song với việc thẳng thắn luôn đi kèm với sự tế nhị. Chắc chắn không ai muốn bị chỉ trích trước mặt người khác cả, điều này khiến họ tự ái và càng chống đối hơn. Khi gặp phải trường hợp này, bạn nên có những góp ý riêng và cho họ những lựa chọn để họ suy nghĩ. Tốt nhất là sửa đồng ý sửa đổi trong im lặng, không thì phải chấp nhận sự chỉ trích từ mọi người. Giữ thể diện cho người khác cũng là một cách thể hiện sự quan tâm của lớp trưởng đến mọi người.
6. Kiên quyết, công bằng nhưng không quá cứng nhắc
Một thủ lĩnh giỏi cần kiên quyết, công bằng khi xử lý mọi việc. Nhưng không phải vì điều đó mà bạn quá phụ thuộc, áp đặt vào khuôn khổ. Nếu như bạn làm việc quá cứng nhắc, xử lý mọi thứ rập khuôn, khô khan càng khiến cho thành viên trong lớp thấy bạn nhàm chán, không thoải mái, dễ tạo ra hiện tượng nổi loạn trong lớp. Thay vì cách quản lý khô khan, khuôn mẫu đó, bạn có thể đặt ra những giới hạn trong quy định để quản lý lớp dễ dàng hơn.
7. Làm sao cho vừa lòng cả giáo viên lẫn các bạn
Một trong những áp lực mà bất kỳ lớp trưởng nào cũng gặp phải đó là vừa ý cả giáo viên mà vẫn phải đẹp lòng các bạn. Vậy làm cách nào để làm hài hòa cả hai bên đây?
Cách duy nhất để xử lý vấn đề này đó là lỗi nào bỏ qua được hãy bỏ qua. Những lỗi không gây ảnh hưởng đến nền nếp hay học tập của các bạn như làm thiếu một, hai bài tập; soạn văn còn sơ sài, quên sách giáo khoa… có thể nhắc nhở nếu như còn tái phạm nhiều lần thì mới phải ghi vào sổ. Thực chất, yêu cầu của giáo viên đối với lớp trưởng là phải giữ được điểm số nề nệp lớp học trong trường và hình ảnh lớp với các thầy cô luôn tích cực nhất. Vì thế bạn không nên quá xét nét, soi mói hay bới móc lỗi từ các bạn để trừ điểm. Thay vì việc khắt khe tìm những lỗi nhỏ để bắt lỗi thì hãy chú trọng đến những lỗi phạm vào nội quy nhà trường. Đây không phải là hành động bao che cho các bạn mà là cách để giữ hòa khí trong lớp học. Và hơn nữa khi bạn chẳng may vi phạm một lỗi nhỏ nào đó thì các thành viên trong lớp sẵn sàng giúp đỡ cho bạn. Bạn biết đấy chẳng ai sinh ra đã hoàn hảo được đúng không?
8. Nhớ rằng mình vẫn là học sinh
Điều quan trọng cuối cùng bạn cần phải nhớ đó là đừng đánh mất chính mình. Làm một lớp trưởng có thể bạn sẽ phải giữ hình tượng cá nhân luôn đẹp trong mắt người khác. Không cần phải quá ăn diện, hay xinh đẹp như các diễn viên, người mẫu nhưng cũng ăn mặc lịch sự, gọn gàng hơn. Nhưng không phải vì những điều ấy mà bạn tự đánh mất tuổi học sinh của mình. Làm lớp trưởng gương mẫu không phải là bạn bỏ chơi những trò chơi tinh nghịch với hội bạn như caro, búng tai trong các giờ giải lao thầy cô cho thoải mái. Thậm chí bạn còn chính là người khởi xướng những phong trào trong giới trẻ, hưởng ứng nhiệt tình trong các trò chơi tập thể với lớp.
Luôn nhớ rằng, làm lớp trưởng nhưng bạn vẫn là một học sinh. Bạn vẫn có quyền thoải mái đùa nghịch với bạn bè, troll bạn mình bằng những trò chơi của tuổi học trò. Các bạn trong lớp sẽ thích một lớp trưởng vừa tài năng, hài hước, năng động hơn là một lớp trưởng quá nghiêm khắc rồi tự biến mình thành “ông/bà cụ non” lúc nào chẳng hay.
Vậy nên làm lớp trưởng hay không?
Việc có nên làm lớp trưởng hay không còn phụ thuộc vào chính bản thân của bạn. Hãy dựa vào tính cách cũng như khả năng của bạn. Hãy tự xem xét hoặc hỏi ý kiến thầy cô và cảm nhận của mình để hiểu rõ sức của mình tới đâu, có trụ được với chức vị lớp trưởng hay không.
Không những vậy, là một học sinh, ngoài việc học, bạn đang tuổi ăn, tuổi lớn và tuổi chơi. Trong khi đó, việc được làm lớp trưởng đã khiến nhiều bạn cảm thấy không thoải mái với bạn bè, không thoải mái khi đến trường. Nhiều bạn lại luôn tạo một vỏ bọc hoàn hảo thay vì sự hoạt náo và vui vẻ vốn có chỉ vì bạn là lớp trưởng, là người làm gương.
Là một mảnh ghép nhỏ bé của cả lớp nhưng lại là mảnh ghép quan trọng nhất, lớp trưởng chính là người tạo ra bản sắc riêng cho mỗi tập thể. Bạn đã bao giờ nghĩ sai về lớp trưởng của mình chưa. Nếu đã từng, hi vọng bây giờ bạn sẽ hiểu hơn những vất vả và thiệt thòi của bạn ấy. Còn nếu đang là lớp trưởng, còn điều gì bạn muốn chia sẻ về vị trí đặc biệt ấy nữa không? Phản hồi chúng mình qua Thông tin liên hệ nhé!