Đừng "tự ti" nữa Hãy "tự tin" lên
Tự ti không chỉ là một vấn đề tâm lý ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà nó còn đang dần trở thành rào cản lớn cản trở sự thành công của bản thân
Nhưng tâm lý ấy như một điều gì đó vô hình. Trên hết là ngay cả người mắc phải chưa chắc có thể nhận ra mình đang vướng vào nó. Không biết được tự ti đang ngày càng gây ra tác động lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến chúng ta ra sao. Hãy cùng tìm hiểu xem tự ti là gì và bạn có phải là người đang bị sự tự ti “tìm đến ” không nhé!
Tự ti là gì?
Tự ti chính là một thuật ngữ nhằm chỉ những người có đánh giá thấp về bản thân, không có đủ sự tự tin để bộc lộ năng lực của mình. Nói một cách chính xác đó chính là hành động tự chỉ trích, xem thường bản thân, luôn cho rằng mình thấp kém so với mọi người xung quanh.
Nếu tự tin là trạng thái mà con người cảm thấy tin tưởng, có nhiều kỳ vọng về năng lực của bản thân thì sự tự ti hoàn toàn trái ngược. Những người tự ti luôn cảm thấy bản thân mình kém cỏi, thua kém người khác. Họ không muốn kể về cuộc sống của chính mình, e ngại khi trò chuyện với đám đông và luôn cảm thấy bối rối, bất an khi những người xung quanh tập trung nhiều về mình.
Nguyên nhân của sự tự ti
Trong thực tế, không ai khi vừa mới sinh ra đã cảm thấy thiếu tự tin, e ngại về bản thân. Ngược lại, chúng ta lại hồn nhiên, ngây thơ và cực kì thích khám phá. Tuy nhiên, do quá trình nuôi dưỡng, có thể ta đã tiếp xúc, bị tác động bởi nhiều yếu tố từ môi trường, cách dạy dỗ của gia đình và nhà trường khiến bản thân hình thành các nỗi mặc cảm về chính mình, từ đó dễ sinh ra tâm lý tự ti, nhút nhát. Dưới đây là một số lý do thường gặp như:
1. Thường xuyên so sánh
“Con nhà người ta” là danh xưng vô cùng quen thuộc mà hầu hết bạn nào cũng đã một lần nghe thấy. Trong thực tế, việc đem bản thân mình so sánh với người khác đôi khi cũng xuất phát từ ý muốn cho bản thân mình có thể lấy đó làm động lực cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để bằng bạn bằng bè. Tuy nhiên, đôi lúc phương pháp này lại phản tác dụng và gây nên nhiều tổn thương về mặt tâm lý cho bản thân mình.
Dần dần bạn sẽ cho rằng bản thân thật sự vô dụng, bất tài và kém cỏi. Suy nghĩ này sẽ ăn sâu vào tiềm thức của bạn và dần khiến bản thân trở nên rụt rè, thiếu tự tin, không dám thực hiện bất cứ điều gì. Thậm chí còn có nhiều trường hợp các bạn học sinh, sinh viên trở nên xa cách, thu mình với xã hội và nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Đặc biệt, nếu tình trạng này không được can thiệp và nhanh chóng chấm dứt sẽ có nhiều khả năng kéo dài cho đến khi trưởng thành. Tâm lý luôn cảm thấy bản thân kém cỏi, thường xuyên tự so sánh với những người xung quanh sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy mất dần sự tự tin vào năng lực của bản thân. Họ bắt đầu ngừng cố gắng, phó mặc cho số phận và không còn mục tiêu cho tương lai.
2. Kém hiểu biết
Không có sự thông minh, hiểu biết chính là một trong các nguyên nhân lớn khiến nhiều người cảm thấy thiếu tự tin vào bản thân. Khi bạn không hiểu biết về một vấn đề nào đó mà mọi người đang bàn tới chắc hẳn bạn sẽ không thể tham gia câu chuyện một cách nhiệt tình, thậm chí là chỉ dừng ở việc lắng nghe.
3. Thiếu kinh nghiệm
Cũng tương tự như yếu tố thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống cũng là một trong các lý do thường gặp ở những người tự ti. Trong thực tế, khi bạn chỉ nói suông về một vấn đề nào đó thì nó chỉ là những lý luận trên bề mặt lý thuyết, không có tính thuyết phục cao. Hoặc bạn vẫn có thể lấy kinh nghiệm của người khác để làm thành công cho bản thân, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc bạn không cần phải trải nghiệm.
Nhưng khi bạn trải nghiệm nhiều thứ, tiếp xúc với nhiều vấn đề hơn sẽ giúp bạn có được cái nhìn khách quan và sâu sắc hơn về chúng. Nếu bạn chỉ đọc, nghe hoặc nhìn tức nghĩa bạn chỉ mới vượt qua được một phần nào đó, nắm bắt một khía cạnh nào đó của vấn đề.
Cũng có thể bằng những kiến thức đó bạn vẫn cảm thấy tự tin về chính mình. Tuy nhiên, sâu trong con người bạn vẫn bị thiếu sót một thứ gì đó, nó khiến bạn không thể hoàn toàn tự tin.
4. Sự lầm tưởng về các giá trị sống
Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đã và đang phát triển mạnh mẽ. Chúng ta dễ dàng tiếp nhận thông tin, các nền văn hóa đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Từ trẻ nhỏ đến người già có thể biết được nhiều thông tin qua các chương trình ca nhạc, phim ảnh, các cuộc thi, game show,…
Những hình ảnh đẹp, tài năng của các idol, nghệ sĩ, ngôi sao ca nhạc, diễn viên điện ảnh vô cùng sáng chói và khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Những thần tượng này khiến cho nhiều bạn trẻ dễ nhìn nhận sai lầm về các giá trị sống của bản thân. Các bạn dễ bị ngộ nhận về các điểm yếu của bản thân, cho rằng mình không có năng lực, tự hạ thấp giá trị khiến bản thân càng trở nên tự ti.
5. Tự ti vì ngoại hình
Những khuyết điểm về ngoại hình cũng là một trong các lý do khiến cho nhiều người cảm thấy thiếu tự tin, ngại giao tiếp, gặp gỡ với mọi người xung quanh. Cho dù chúng ta hay chia sẻ rằng, ngoại hình chỉ là hình thức bên ngoài, thứ đánh giá con người chính là trí não và năng lực bên trong.
Tuy nhiên, trong thực tế ai cũng sẽ dễ bị thu hút bởi cái nhìn đầu tiên đến từ vẻ bề ngoài. Đặc biệt là thời đại ngày nay, cái đẹp đang được coi trọng, ngành làm đẹp đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Điều này khiến cho nhiều người cảm thấy tự ti về cơ thể, nhan sắc.
Những người sở hữu một thân hình quá khổ, làn da rám nắng, không biết trang điểm, nhiều mụn,…sẽ luôn cảm thấy ngại ngùng khi gặp gỡ mọi người xung quanh. Họ sẽ mặc cảm, tự đánh giá thấp chính mình và không dám thể hiện bản thân. Thậm chí có nhiều trường hợp do những nỗi e sợ về ngoại hình dẫn đến sự tự ti về hầu hết các phương diện trong cuộc sống.
6. Sự phát triển của mạng xã hội
Sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của các trang mạng xã hội cũng là một phần nguyên nhân khiến cho giới trẻ dần thiếu đi sự tự tin vào chính bản thân mình. Nhiều người thường dành quá nhiều thời gian để đầu tư cho cuộc sống “ảo” trên các trang mạng, từ đó xa rời vào đời sống thực tế.
Thay vì ra ngoài làm quen, gặp gỡ với những người bạn khác, nhiều người lại cảm thấy thích thú với cuộc sống online, lướt web, giải trí trên mạng xã hội. Nếu tình trạng này liên tục kéo dài sẽ gây nên nhiều sự cản trở trong việc giao tiếp trực tiếp. Lúc này bạn sẽ không còn sự phản xạ linh hoạt để có thể ứng xử, trò chuyện với mọi người xung quanh.
Rất nhiều trường hợp cảm thấy choáng ngợp, thụ động, nhút nhát và e ngại việc phải nói chuyện trực tiếp. Họ luôn tìm cách tránh né, hạn chế việc gặp gỡ bạn bè, tự cách ly với xã hội và tạo ra một lớp vỏ bọc an toàn cho chính mình.
Biểu hiện của người tự ti
Như đã chia sẻ ở trên, tự ti có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Những người này luôn cảm thấy bản thân không đủ năng lượng, tự đánh giá thấp giá trị của chính mình. Họ cũng sẽ hạn chế việc giao tiếp, đưa ra ý kiến trước đám đông vì sợ người khác chê cười, sợ bản thân nhận định sai lầm.
Trái ngược hoàn toàn với những người tự tin, người thiếu tự tin luôn nghi ngờ khả năng, trình độ và sự hiểu biết của mình. Những người này sẽ có nhiều xu hướng sống buông thả, họ bắt đầu ngừng cố gắng, không phấn đấu và nỗ lực về những ước mơ, mục tiêu của bản thân. Lâu dần gây nên sự cản trở to lớn đối với đời sống, chất lượng cuộc sống dần bị suy giảm, các mối quan hệ bị rạn nứt.
Nếu bạn hoặc những người thân xung quanh đang có những biểu hiện sau đây thì có nhiều khả năng bạn đang tự ti vào bản thân mình.
Không muốn kể, chia sẻ về cuộc sống của chính mình
Ngại xuất hiện nơi đông người, không bao giờ chủ động trò chuyện với người khác.
Ít khi đưa ra ý kiến, nhận xét của bản thân, đặc biệt là trong những buổi họp, gặp gỡ đông người.
Cố gắng né tránh các buổi gặp mặt bạn bè, các sự kiện, các buổi thuyết trình.
Khi đi học hoặc tham gia bất kì cuộc họp nào cũng lựa chọn những chỗ ngồi khuất, tránh ngồi bàn đầu hoặc vị trí trung tâm.
Luôn cảm thấy bối rối, hồi hộp, chân tay bủn rủn, luống cuống khi có ai đó đang nhìn hoặc tập trung vào mình.
Khó khăn trong việc đưa ra quan điểm, ý kiến của cá nhân.
Khi cảm thấy quá căng thẳng, lo lắng có thể quên đi những gì mà bản thân cần phải nói.
Thường ngại ngùng, xấu hổ khi nhận được những lời khen ngợi, tuyên dương của người khác.
Luôn có cảm giác những người xung quanh đang bàn tán, phán xét về mình.
Luôn thuận theo ý kiến của số đông, ít khi đưa ra quan điểm của mình.
Thường xuyên né tránh, không dám tham gia vào các trải nghiệm mới mẻ.
Dễ dàng bỏ cuộc, không có sự nỗ lực, cố gắng.
Phóng đại, quan trọng hóa các lời nói, nhận xét của người khác.
Bạn nên hiểu rõ, tự ti là trạng thái lo sợ, e ngại về năng lực của bản thân. Người tự ti dù nắm chắc đáp án đúng trong tay nhưng cũng không dám đứng nên phát biểu, bày tỏ quan điểm của bản thân.
Nó khác hoàn toàn với những người có đức tính khiêm tốn. Bởi người khiêm tốn sẽ biết đâu là thời điểm nên thể hiện bản thân. Đôi lúc họ không muốn lên tiếng vì một lý do nào đó, nhưng khi cần thiết họ sẽ sẵn sàng đứng lên thể hiện năng lực, bảo vệ chính mình.
hậu quả của việc tự ti
Người tự ti luôn cảm thấy ngờ vực về các giá trị của bản thân, họ luôn tự đánh giá thấp năng lực và mọi khía cạnh của chính mình. Tự ti được xem như là “hòn đá” cản đường khiến bạn lỡ mất nhiều cơ hội thành công, không thể bước tiếp đến những mục tiêu, ước mơ của mình.
Những người tự ti vào bản thân nếu không biết cách kiểm soát và khắc phục tốt sẽ gây nên rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể như:
Đánh mất nhiều cơ hội quý báu: Do luôn e ngại, không dám đưa ra ý kiến cá nhân và có xu hướng tránh né mọi lời khen, đề bạt của người khác. Vì thế những người tự ti luôn dễ bỏ lỡ các cơ hội trong cuộc sống. Những người này luôn sợ thất bại nên không dám thử sức với bất kì điều gì, họ liên tục đánh mất nhiều cơ hội quý giá đối với bản thân.
Không biết cách thể hiện năng lực: Hậu quả thường gặp nhất ở những người tự ti đó chính là không biết cách thể hiện giá trị, khả năng của bản thân. Trong hầu hết các cuộc họp nhóm, hội nghị họ đều không dám đưa ra ý kiến của mình, luôn có xu hướng làm theo biểu quyết của số đông.
Gặp khó khăn trong các mối quan hệ: Điều này sẽ dễ gặp ở những người tự ti về ngoại hình của bản thân. Họ sẽ không dám chủ động kết bạn hoặc thậm chí là từ chối các lời mời của bạn bè, đồng nghiệp. Do đó, người tự ti thường có rất ít bạn bè, đôi lúc họ rất cô đơn vì không thể bày tỏ, tâm sự cùng với bất cứ ai.
Bản thân bị giới hạn: Nếu như những người tự tin họ sẽ luôn muốn thử thách, trải nghiệm những điều mới lạ. Còn đối với những người tự ti, họ sẽ luôn tránh né và giới hạn bản thân ở một vùng an toàn nào đó. Điều này vô tình hình thành nên một lối sống bó buộc, khuôn khổ, không có sự phát triển, không có bất kì trải nghiệm thú vị nào.
Không thể theo đuổi đam mê: Vì tâm lý lo sợ, e ngại và không có niềm tin vào năng lực của bản thân nên những người tự ti thường chùn bước, tự buông xuôi đam mê, hoài bão của mình. Dù có đưa ra rất nhiều định hướng, mục tiêu trong tương lai nhưng họ lại rất dễ nản lòng, bỏ cuộc và hầu như rất khó đạt được những gì mình mơ ước.
Ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội: Bên cạnh các tác động tiêu cực đến cá nhân thì tình trạng thiếu tự tin cũng sẽ gây nên nhiều hậu quả đối với xã hội, cộng đồng. Nếu phần lớn con người đều tự ti về chính mình thì xã hội sẽ không thể nào phát triển, thậm chí là càng bị thụt lùi.
Biến "tự ti" thành "tự tin" !
Bạn nên hiểu rằng, sự tự tin là yếu tố rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. Nếu bạn không có niềm tin và khả năng thể hiện các năng lực vốn có của bản thân thì cuộc sống của bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đôi khi nó là sự cản trở to lớn đối với tương lai và sự nghiệp của bạn. Vì thế, nếu nhận thấy bản thân đang có biểu hiện của sự tự ti thì bạn cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp sau đây.
1. Trau dồi thêm kiến thức
Nếu sự kém tự tin của bạn xuất phát từ việc bản thân có quá ít kiến thức, kinh nghiệm sống thì cách tốt nhất là bạn nên trau dồi và học hỏi thêm ngay từ bây giờ. Việc học tập và bổ sung kiến thức chưa bao giờ là vô ích và quá muộn. Do đó, nếu nhận thấy bản thân có những lỗ hổng nào đó thì bạn cần phải bù đắp nó ngay lập tức.
Hãy cố gắng phát huy về những điểm mạnh và lợi thế mà bản thân hiện có. Tuy rằng bạn không thể hiểu sâu rộng về tất cả các vấn đề nhưng khi bạn có được một kho tàng rộng lớn về bất kì lĩnh vực nào thì đó cũng sẽ trở thành điểm nổi bật và thu hút của bạn. Vì thế, hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, hãy khẳng định bản thân và đẩy lùi sự hèn nhát, rụt rè của chính mình.
2. Tha thứ cho quá khứ
Nếu trong quá khứ bạn đã từng phải đối mặt với những sự tổn thương, một ai đó đã từng lớn tiếng chỉ trích, phê bình, chê bai bạn thì hãy chọn cách chấp nhận và tha thứ. Hãy hiểu rằng, khi họ hành động như vậy cũng chính do sự tự ti của riêng họ. Tuy rằng họ hành xử không đúng, họ gây cho bạn những sự tổn thương nhưng bạn không nên để điều đó làm ảnh hưởng đến bản thân.
Hãy bắt đầu tập cách tha thứ cho những hành xử tiêu cực mà họ đã gây ra. Cũng bởi việc thù hận không thể giúp bạn trở nên tốt hơn mà thậm chí nó còn giết chết cả tương lai của bạn. Do đó, hãy để quá khứ được ngủ yên, hãy nhẹ nhàng cho qua những sự kiện đau buồn, thất bại đã qua và hãy cố gắng, phấn đấu nhiều hơn cho hiện tại, tương lai.
3. Chấp nhận tất cả những gì thuộc về bản thân
Để có thể nhanh chóng khắc phục được tình trạng tự ti thì cách tốt nhất là bạn nên ngừng ngay việc tự đánh giá và hạ thấp bản thân. Mỗi người sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, ngay cả ngoại hình mọi người điều đó sự khác biệt và thu hút riêng biệt.
Chính vì thế hãy chấp nhận và hài lòng với những gì mình có, tập trung vào việc phát huy các thế mạnh của bản thân. Hãy yêu thương tất cả những gì thuộc về bản thân bạn, hãy học cách trân quý và gìn giữ chúng thật cẩn thận. Dù đó là những khiếm khuyết, yếu điểm thì đó cũng chính là tất cả con người bạn. Nếu ngay cả bản thân còn cảm thấy chán ghét, hất hủi những điều đó thì người khác cũng sẽ không thể nào quý trọng nó.
4. Ngừng so sánh
Như đã nói, việc bạn cứ liên tục so sánh bản thân với những người xung quanh sẽ khiến cho lòng tin về năng lực của chính mình bị giảm bớt. Thay vì thế, khi nhìn thấy một điểm thú vị ở một người nào đó, đừng so sánh bản thân với họ mà hãy xem cả hai như táo và mận, mỗi loại đều có nét đặc trưng riêng biệt.
Nếu ai đó thành công, hãy vui cho họ. Con đường của mỗi người lựa chọn hoàn toàn khác nhau, đừng cố gắng ép bản thân phải được như những người khác. Hãy biết năng lực và khả năng của mình ở đâu và cố gắng phát huy chúng một cách trọn vẹn nhất.
5. Đặt mục tiêu cụ thể để cải thiện sự thiếu tự tin
Bạn sẽ mãi mãi không thể thành công nếu không vạch ra mục tiêu cụ thể cho những việc mình đang làm. Vì thế, ngay cả khi bạn đang cải thiện bản thân, xây dựng lại mức độ tự tin thì cũng cần phải có đích đến rõ ràng. Hãy đặt cho mình những cột mốc, đưa ra kế hoạch phù hợp để hoàn thành chúng một cách hiệu quả nhất.
Ngoài ra bạn cũng có thể chọn cho mình một hình mẫu lý tưởng phù hợp với ước mơ, đam mê của bản thân. Điều này sẽ giúp bạn có thể cố gắng, phấn đấu nhiều hơn để có thể phát triển nhận thức, tư duy, suy nghĩ và dần cải thiện tốt sự rụt rè, nhút nhát của mình.
Để thoát khỏi tâm lý tự ti, những người mang trong mình sự tự ti cần phải hiểu rõ được chính bản thân mình. Theo đó là cố gắng hoàn thiện chính mình một cách tốt nhất. Để bản thân không cảm thấy không thua kém một ai, không cảm thấy áp lực mỗi khi giao tiếp hay làm việc của mình. Hãy trở thành một phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình các bạn nhé!